Phương tiện đo độ dày (cơ học) là thiết bị có chức năng đo bề dày vật liệu. Nguyên lý đo cơ bản được thiết kế dựa trên phương pháp chạm cơ học. Tùy theo loại vật liệu đo hoặc cấp độ chính xác người ta sẽ dùng máy đo độ dày hoặc đồng hồ đo độ dày.
Quy trình hiệu chuẩn phương tiện đo độ dày
Bước 1. Chuẩn bị hiệu chuẩn
Trước khi tiến hành hiệu chuẩn phải thực hiện các công việc chuẩn bị sau đây:
– Lau sạch phương tiện đo độ dày bằng dung dịch làm sạch (xăng công nghiệp hoặc các dung môi tương đương).
– Đặt phương tiện đo độ dày và chuẩn trong phòng ở nhiệt độ hiệu chuẩn không ít hơn 1 giờ.
Bước 2. Kiểm tra bên ngoài
Phải kiểm tra bên ngoài theo các yêu cầu sau đây:
– Bề mặt phương tiện đo độ dày không bị han rỉ, lồi lõm và có những hư hỏng khác làm ảnh hưởng đến tính năng sử dụng của phương tiện.
– Trên phương tiện đo độ dày phải ghi rõ ràng: Giá trị độ chia và phạm vi đo, hiệu hàng hóa, tên cơ sở sản xuất.
Bước 3. Kiểm tra kỹ thuật
Phải kiểm tra kỹ thuật theo các yêu cầu sau đây:
– Phương tiện đo độ dày phải chuyển động nhẹ nhàng trên toàn phạm vi đo
– Số, ký hiệu trên phương tiện phải rõ ràng, không bị mờ, mất nét
Bước 4. Kiểm tra đo lường
Phương tiện đo độ dày được kiểm tra đo lường theo trình tự các nội dung, phương pháp và các yêu cầu sau đây:
- a) Kiểm tra sai số phương tiện đo độ dày
Chỉnh phương tiện đo độ dày về vị trí “0”
Đặt căn mẫu vào giữa hai mặt đo, thực hiện phép đo với 10 vị trí trên toàn thang đo của phương tiện đo độ dày. Dùng tập hợp căn mẫu chuẩn có kích thước danh định so sánh với số chỉ trên toàn thang đo của phương tiện đo độ dày. Mỗi vị trí tiến hành đo 3 lần và ghi kết quả đo tương ứng của phương tiện đo độ dày và căn mẫu chuẩn vào biên bản hiệu chuẩn.
- b) Kiểm tra độ không song song của hai mặt đo
Dùng căn mẫu đặt tại 4 góc đối nhau theo đường kính của mặt đo và đọc kết quả đo. Độ không song song được xác định bằng hiệu số đọc lớn nhất tương ứng với kích thước căn mẫu. Ghi kết quả đo tương ứng các vị trí của mặt đo của phương tiện đo độ dày và căn mẫu chuẩn vào biên bản hiệu chuẩn.

Sai lệch (l):
l = mmax – mmin
mmax: kết quả đo lớn nhất trong 4 vị trí
mmin: kết quả đo nhỏ nhất trong 4 vị trí
- c) Xác định sai số
Sai số ∆ trong phép hiệu chuẩn căn mẫu được xác định theo công thức:
∆ = Rđ – S
Trong đó: ∆: sai số hay độ lệch
Rđ: kết quả đo trên thước vặn
S: là giá trị của chuẩn (kích thước căn mẫu)
- d) Tính toán độ không đảm bảo đo
Bước 5. Xử lý kết quả
Phương tiện đo bề dày đạt tất cả các yêu cầu kiểm tra được dán tem hiệu chuẩn và cấp giấy chứng nhận hiệu chuẩn.